Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với bão, mưa lớn, lũ và nguy cơ ngập lụt diễn biến của Cơn bão số 3 gây ra các tình thế thời tiết nguy hiểm, sự cố thiên tai trên địa bàn, UBND xã yêu cầu các lực lượng khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống thiên tai theo hướng quyết liệt, kịp thời và hiệu quả, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Mục tiêu đảm bảo tính mạng con người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
1. Các nhiệm vụ cần tập trung triển khai thực hiện
- Phòng Kinh tế Chủ trì phối hợp với Ban CHQS xã, Phòng Văn hóa -Xã hội, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao và các phòng có liên quan xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo mưa bão, thiên tai, thảm họa thiên nhiên, môi trường liên quan đến Phòng thủ dân sự;
- Tổ chức kiểm tra đảm bảo an toàn các vị trí kè, công trình thoát nước trên địa bàn; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xảy ra.
- Rà soát kỹ các khu dân cư, đặc biệt là khu vực có nguy cơ ngập sâu để phát hiện sớm những điểm không an toàn như các hộ có nhà cấp 4 xuống cấp có nguy cơ ngập, sơ tán đến những nhà vị trí cao có nhà cao tầng kiên cố.
- Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt là mưa lớn, bão, lũ.
- Chỉ đạo triển khai ứng phó kịp thời theo phương châm "Bốn tại chỗ", trong đó đặc biệt chú trọng công tác truyền thông để người dân nắm rõ thông tin về nguy cơ mưa lũ, ngập úng.
- Tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông trong thời gian mưa lũ, nhất là tại các khu vực đập tràn và nước ngập sâu.
- Chuẩn bị đầy đủ phương án bố trí lực lượng, phương tiện, lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ bị chia cắt.
* Đối với chăn nuôi
- Gia cố chuồng trại, che chắn cẩn thận, đảm bảo chắc chắn nhằm hạn chế sập đổ, tràn nước gây thiệt hại đàn vật nuôi.
- Di dời vật nuôi khỏi vùng thấp trũng, khu vực có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn.
- Dự trữ thức ăn chăn nuôi như cỏ ủ, thuốc thú y thiết yếu để đảm bảo phòng dịch bệnh và duy trì chăm sóc khi bị chia cắt bởi mưa lũ.
- Tăng cường công tác vệ sinh chuồng trại, xử lý môi trường để phòng chống mầm bệnh sau thiên tai.
* Đối với trồng trọt
- Khơi thông mương rãnh, hệ thống thoát nước tại các vùng sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế tình trạng ngập úng.
- Chống đổ cây trồng, bảo vệ diện tích hoa màu, kiểm tra bờ vùng, bờ thửa.
- Chuẩn bị vật tư nông nghiệp dự phòng như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phục hồi sản xuất sau thiên tai.
2. Ban Chỉ huy Quân sự xã
- Chủ trì sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời phối hợp với các phòng ban, ngành xây dựng kế hoạch, phương án khi mưa bão xảy ra. Phòng, chống, ứng phó thảm họa, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng khắc phục các sự cố khi mưa bão.
- Chủ động, phối hợp với các phòng, ban, ngành liên quan để lập quy hoạch xây dựng kế hoạch Phòng thủ dân sự, tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định;
3. Công an xã
- Chủ động phối hợp với các phòng, ban ngành có liên quan và chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã khi xảy ra bão sự cố, thiên tai dịch bệnh.
- Chỉ đạo lực lượng Công an xây dựng kế hoạch Phòng thủ dân sự, phối hợp với các lực lượng vũ trang xã và đơn vị liên quan tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó thảm họa, tìm kiếm cứu nạn theo quy định.
4. HTX Minh Châu
Đảm bảo an toàn về điện, kịp thời khắc phục sự cố, nhanh chóng cấp điện trở lại; tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn về lưới điện, ưu tiên cấp điện để phục vụ tiêu úng.
5. Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao
Thường xuyên cập nhật đưa tin về diễn biến diễn biến của Bão số 3, tình hình mưa; tăng cường thời lượng phát sóng trên hệ thống truyền thanh của xã, tiếp sóng truyền thanh tại các thôn, khu dân cư để người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó và tham gia công tác phòng chống thiên tai ở nơi cư trú.
6. Các phòng, ban, ngành là thành viên BCH Phòng thủ dân sự xã
Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ động kiểm tra đôn đốc các thôn dân cư để chỉ đạo xử lý sự cố thiên tai, kịp thời nắm bắt tình hình, báo cáo về cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự xã (Phòng Kinh tế).
7. Các nhà trường
- Chỉ đạo hướng dẫn các quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai khi mưa, bão, về Phòng thủ dân sự vào nội dung phổ biến giáo dục pháp luật cho công chức, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh nhà trường;
- Phối hợp với Ban CHQS xã và các phòng ban ngành có liên quan xây dựng tổ chức đào tạo nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ Phòng thủ dân sự.
8. Trạm Y tế
- Chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã về xây dựng, huấn luyện lực lượng huy động ngành y tế chuẩn bị cơ số thuốc khi mưa bão xảy ra ảnh hưởng thiên tai, mưa lũ, nước dâng cao địa phương bị cô lập;
- Phối hợp với BCH Quân sự xã quy hoạch hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường năng lực hệ thống Phòng thủ dân sự;
- Phối hợp với phòng Kinh tế ban hành cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh.
9. Đề nghị các ông (bà) Bí thư chi bộ, Trưởng, phó thôn
Thực hiện tuyên truyền, thông tin đến người dân nắm bắt tình hình, triển khai các biện pháp phòng, ngừa, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, gia cố nhà cửa, chuồng trại, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, tài sản của gia đình.
UBND xã Minh Châu đề nghị BCH PTDS xã và các phòng, ban, ngành, thôn nghiêm túc triển khai thực hiện./.