Đồng chí Nguyễn Đại Hải - Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng thủ dân sự xã báo cáo tại hội nghị
Đại biểu dự hội nghị
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đức Tiến – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã; Đinh Tuấn Anh – Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự xã; Vũ Văn Thùy – Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, Phó Trưởng ban phụ trách cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự xã; Nguyễn Đại Hải – Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng thủ dân sự xã; Kiều Quang Bảo – Trưởng Công an xã, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng thủ dân sự xã. Cùng dự còn có các ủy viên Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, các thành viên Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, Bí thư chi bộ, trưởng, phó các thôn, khu dân cư trên địa bàn xã.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đại Hải - Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng thủ dân sự xã đã triển khai công văn của UBND xã về việc chủ động ứng phó với bão WiPha; kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phương án ứng phó theo các cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn xã Minh Châu năm 2025.
Các đại biểu cho ý kiến đóng góp vào Kế hoạch, Phương án về công tác phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Minh Châu
Xã Minh Châu có vị trí đặc thù, nằm giữa bãi sông Hồng, là nơi hợp lưu của ba con sông lớn: sông Đà, sông Thao và sông Lô. Hằng năm, xã chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, thường xuyên đối mặt với lũ lụt vào mùa hè và khô hạn vào mùa đông. Địa hình phức tạp khiến việc đi lại, giao thương của người dân gặp nhiều khó khăn.
Hiện trên địa bàn xã có 3,88km kè chống sạt lở bờ sông; 37 tuyến mương tiêu với tổng chiều dài 11.352m, trong đó 18 tuyến đã được cứng hóa. Đầu năm 2025, xã đã triển khai dự án cải tạo, nâng cấp kênh tiêu trục chính kết hợp giao thông nội đồng; đồng thời nâng cấp hệ thống kênh tưới, tiêu kết hợp đường giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Với đặc thù là xã đảo, Minh Châu có nguy cơ chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai, đặc biệt là mưa lũ và việc xả lũ từ các hồ thủy điện đầu nguồn. Điều này làm gia tăng nguy cơ ngập úng và lũ lụt khi có bão hoặc mưa lớn xảy ra.
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế, khi mực nước sông Hồng đạt mức báo động 2 và lượng mưa trên địa bàn từ 250mm trở lên, trên 70% diện tích trồng cây hoa màu của người dân sẽ bị ngập úng.
Trước diễn biến thời tiết cực đoan và ngày càng phức tạp, xã Minh Châu đã chủ động xây dựng các phương án phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm "bốn tại chỗ"; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư và phương tiện cần thiết.
Để ứng phó kịp thời với bão số 3, từ ngày 20/7, xã Minh Châu đã thành lập Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa bão, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.
UBND xã cũng ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, vùng trũng thấp, các điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân khi cần thiết; chủ động các phương án bảo vệ sản xuất, hoa màu và gia súc.
Bên cạnh đó, xã cũng đã xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và các phương án ứng phó theo từng cấp độ rủi ro thiên tai; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, từng khu dân cư. Đồng thời, tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 gồm lãnh đạo UBND xã, công an, quân sự và các lực lượng liên quan. Xã cũng công bố công khai số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo xã (0913.336.663) để tiếp nhận, xử lý thông tin từ người dân.
Xã Minh Châu đã chuẩn bị 50 áo phao phục vụ khách đi đò, bố trí 20 thuyền composite và 200 áo phao hỗ trợ các cụm dân cư trong tình huống khẩn cấp. Các tổ ứng trực phòng chống lụt bão cũng đã được trang bị đầy đủ vật tư, máy móc, cưa máy và phương tiện hỗ trợ để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Thái Sơn – Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Chỉ huy phòng thủ dân sự xã đề nghị các phòng, ban, đơn vị và khu dân cư tích cực phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức phòng chống thiên tai trong Nhân dân. Đồng chí nhấn mạnh: không được lơ là, chủ quan trước diễn biến phức tạp của bão; cần xây dựng các phương án cụ thể cho từng tình huống, đảm bảo chế độ trực ban và sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có yêu cầu.